Trong đầu tư, chúng ta thường sử dụng các phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để dự đoán hành vi thị trường mà quên rằng một yếu tố không kém phần quan trọng, tác động trực tiếp đến sự dịch chuyển của giá, đó là yếu tố “tâm lý thị trường”
- 1. Tâm lý thị trường là gì?
- 2. Làm thế nào để nắm bắt tâm lý thị trường trong đầu tư Crypto?
- Cách cảm xúc thay đổi trong tâm lý thị trường
- Nhà đầu tư vận dụng tâm lý thị trường như thế nào?
- Phân tích kỹ thuật và tâm lý thị trường
- Bitcoin và tâm lý thị trường
- Phương pháp nắm bắt tâm lý thị trường Crypto
- Những thành kiến trong nhận thức và tâm lý thị trường
- 3. Tổng kết
Ở bài viết hôm nay, mình muốn chia sẻ tới bạn đọc về cách nhận biết tâm lý thị trường là gì và một vài insight liên quan đến tâm lý thị trường, cũng như cách mà nó tác động đến hành vi đầu tư của hầu hết các nhà đầu tư trong crypto là như thế nào. Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
1. Tâm lý thị trường là gì?
Tâm lý thị trường là khái niệm chỉ sự chuyển động của thị trường phản ánh (hoặc bị ảnh hưởng bởi) trạng thái cảm xúc của những người tham gia. Đây là một trong những chủ đề chính của kinh tế học hành vi – một lĩnh vực nghiên cứu các yếu tố khác nhau trước các quyết định kinh tế.
Nhiều người tin rằng cảm xúc là động lực chính thúc đẩy sự thay đổi của thị trường tài chính. Và tâm lý nhà đầu tư bị giao động bởi cảm xúc này chính là thứ tạo ra cái gọi là chu kỳ tâm lý thị trường.
Nói tóm lại, tâm lý thị trường là yếu tố cảm xúc của các nhà đầu tư có liên quan đến hành động giá của một tài sản.
- Khi niềm tin thị trường tích cực, giá tăng liên tục thì lúc này giá được cho là đang trong một xu hướng tăng, thường gọi là bull market.
- Ngược lại khi niềm tin trở nên tiêu cực, thị trường sụt giảm liên tục sẽ được gọi là bear market.
Cho nên, tâm lý được tạo thành từ những quan điểm và cảm nhận cá nhân của các nhà đầu tư và nhà giao dịch trong tổng thể thị trường tài chính.
Tuy nhiên, dù với bất kỳ nhóm nào, không có ý kiến nào là hoàn toàn thống trị. Dựa trên lý thuyết tâm lý thị trường, giá của tài sản có xu hướng thay đổi liên tục để đáp ứng với tâm lý chung của thị trường vốn đã rất năng động. Nếu không, sẽ rất khó để các giao dịch diễn ra suôn sẻ và thành công.
Trong thực tế, khi thị trường đi lên có thể là minh chứng cho thái độ và niềm tin của các nhà giao dịch được cải thiện.
- Tâm lý tích cực sẽ giúp cầu tăng, cung giảm.
- Đổi lại, khi nhu cầu gia tăng cũng đồng thời khiến cho tâm lý trở nên mạnh mẽ hơn.
2. Làm thế nào để nắm bắt tâm lý thị trường trong đầu tư Crypto?
Thông qua các phần phân tích tâm lý thị trường dưới đây, mình sẽ giúp bạn hiểu được làm thế nào để có thể nắm bắt tâm lý thị trường trong đầu tư crypto nói riêng và đầu tư tài chính nói chung!
Cách cảm xúc thay đổi trong tâm lý thị trường
1. Trong Uptrend
Tất cả các thị trường đều sẽ trải qua chu kỳ mở rộng và thu hẹp. Khi thị trường đang trong giai đoạn mở rộng (thị trường tăng giá), mọi tín hiệu đều rất lạc quan, lúc này xuất hiện niềm tin và lòng tham. Thông thường, đây là những cảm xúc chính dẫn đến hoạt động mua vào mạnh mẽ.
Những hiệu ứng diễn ra theo chu kỳ hoặc hồi tố thường khá phổ biến trong các chu kỳ thị trường.
Ví dụ: Tâm lý các nhà đầu tư sẽ tích cực hơn sau khi giá tăng, cũng chính vì giá tăng nên tâm lý lại được đẩy lên mức tích cực cao hơn, thúc đẩy thị trường tăng giá cao hơn nữa.
Đôi khi, chính lòng tham và niềm tin mạnh mẽ xuất hiện quá nhiều sẽ dẫn tới bong bóng tài chính mà mọi người vẫn nói. Trong một kịch bản như vậy, nhiều nhà đầu tư trở nên phi lý trí, đánh mất giá trị thực tế và mua vào tài sản đó chỉ vì họ tin thị trường sẽ tiếp tục tăng.
Họ tham lam và lạm dụng quá mức đà tăng trưởng với hy vọng kiếm được lợi nhuận. Khi giá tăng quá mức, lúc này sẽ tạo ra đỉnh khiến người vào sau dễ dàng “đu đỉnh” không biết ngày nào trở về. Đây chính là những rủi ro tài chính quá mức.
Trong một số trường hợp, có thể các nhà đầu tư nắm giữ tài sản sẽ bán dần khiến giá đi ngang (sideway), cũng có thể xem là một giai đoạn tích lũy. Nhưng cũng có nhiều chu kỳ lại không có sự sideway tích lũy mà nó sẽ giảm thẳng 1 cây ngay khi đạt đến đỉnh.
2. Trong Downtrend
Trong thị trường giảm giá, nếu giá đang giảm mà có xu hướng vận động để dịch chuyển sang hướng khác sẽ khiến nhà đầu tư trở nên hưng phấn. Đôi khi là lên đến cảm giác tự mãn vì họ tin rằng xu hướng tăng giá vẫn chưa kết thúc. Sau đó giá tiếp tục giảm, tâm lý thị trường nhanh chóng chuyển sang mặt tiêu cực. Tâm lý này thường bao gồm cảm giác lo lắng, phủ nhận và hoảng sợ.
Trong bối cảnh này, sự lo lắng của các nhà đầu tư sẽ bắt đầu từ câu hỏi tại sao giá lại giảm, sau đó họ sẽ từ chối sự thật rằng giá giảm, bắt đầu bằng cảm giác không chấp nhận được. Nhiều nhà đầu tư khăng khăng giữ vị thế thua lỗ của họ, hoặc vì “đã quá muộn để bán” hoặc vì họ muốn tin rằng “thị trường sẽ sớm quay trở lại.”
Nhưng khi giá càng giảm, làn sóng bán ra càng mạnh. Tại thời điểm này, cảm giác hoảng sợ lại dẫn họ đến thị trường đầu cơ (lúc các nhà đầu tư từ bỏ vị thế và bán các khoản nắm giữ càng nhanh càng tốt), khiến người nắm giữ từ bỏ và bán tài sản của họ gần với mức đáy cục bộ.
Cuối cùng, xu hướng giảm sẽ dừng lại khi trải qua được biến động và thị trường ổn định. Thông thường, thị trường cũng sẽ trải qua những chuyển động sideway hay còn gọi là giai đoạn tích lũy trước khi cảm giác hy vọng và lạc quan bắt đầu xuất hiện một lần nữa.
Nhà đầu tư vận dụng tâm lý thị trường như thế nào?
Giả sử lý thuyết tâm lý thị trường là đúng và có giá trị, thì việc hiểu nó sẽ giúp nhà đầu tư có thể vào và thoát vị thế tại những điểm phù hợp hơn. Từ đó tối đa hóa được lợi nhuận và tối thiểu hóa các rủi ro.
Thái độ chung của thị trường thường đi ngược lại với cơ hội:
- Thời điểm vàng mà có cơ hội tài chính cao nhất cho người mua, thường là lúc hầu hết những người khác đều vô vọng và giá đang ở mức rất thấp.
- Ngược lại, thời điểm rủi ro nhiều nhất thường xuất hiện khi phần lớn những người khác lại đang quá hưng phấn và tự tin.
Đó là lý do trong thị trường, người người thường bảo nhau rằng: Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, hãy sợ hãi khi người khác tham lam. Liệu mấy ai có thể trải qua những rào cản tâm lý này trong đầu tư?
Do đó, một số nhà giao dịch và nhà đầu tư cố gắng đọc tâm lý thị trường để phát hiện các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ tâm lý của nó. Họ sẽ tận dụng các thông tin này để mua khi có hoảng loạn khiến giá thấp hơn và bán khi có lòng tham khiến giá cao hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhận ra điều đó không phải là điều dễ dàng. Vì nhiều khi theo họ giá đã ở mức đáy nhưng nó vẫn còn tiếp tục đi xuống, hoặc nghĩ rằng giá đã ở mức đỉnh mà nó lại tiếp tục lên cao nữa.
Phân tích kỹ thuật và tâm lý thị trường
Sẽ không khó để quan sát lại các chu kỳ thị trường và nhận ra tâm lý tổng thể đã thay đổi như thế nào. Phân tích dữ liệu trước đó giúp bạn thấy rõ những hành động và quyết định nào sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất. Đây là sự tương quan giữa phân tích kỹ thuật và tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, để biết thị trường đang thay đổi thế nào và dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo là một việc rất khó. Nhiều nhà đầu tư đã sử dụng phân tích kỹ thuật (TA) để cố gắng dự đoán thị trường có khả năng đi đến đâu.
Các chỉ báo trong TA ở một khía cạnh nào đó có thể vận dụng để đo lường trạng thái tâm lý của thị trường.
Ví dụ:
- Chỉ báo Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) sẽ cho bạn biết khi nào một tài sản bị mua quá mức do tâm lý thị trường đang rất tích cực, hay gọi là sự tham lam quá mức.
- Các đường MACD là một chỉ số có thể được sử dụng để phát hiện các giai đoạn tâm lý khác nhau trong một chu kỳ thị trường. Mối quan hệ giữa các đường này có thể chỉ ra rằng động lực thị trường đang thay đổi. (ví dụ: lực mua đang yếu đi).
Bitcoin và tâm lý thị trường
Thị trường tăng giá Bitcoin năm 2017 là một ví dụ rõ ràng về cách tâm lý thị trường ảnh hưởng đến giá cả và ngược lại. Từ tháng 12, Bitcoin đã tăng từ khoảng $900 lên mức cao nhất mọi thời đại là $20,000. Trong quá trình tăng, tâm lý thị trường ngày càng trở nên tích cực hơn. Hàng ngàn nhà đầu tư mới đã tham gia, bắt kịp sự phấn khích của thị trường tăng giá. FOMO, sự lạc quan quá mức và lòng tham đã nhanh chóng đẩy giá lên – cho đến khi giá không tăng nữa.
Sau đó, sự đảo ngược xu hướng bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Sự điều chỉnh sau đó khiến nhiều người tham gia muộn bị thiệt hại đáng kể. Ngay cả khi xu hướng giảm đã được thiết lập, sự tự tin sai lầm và sự tự mãn đã khiến nhiều người nhắc đến HODLing (tiếp tục giữ tài sản mặc dù giá đã giảm sâu và thị trường biến động mạnh).
Vài tháng sau, tâm lý thị trường trở nên rất tiêu cực khi niềm tin của các nhà đầu tư xuống mức thấp nhất mọi thời đại (all-time-low). FUD (các tâm lý tiêu cực) và sự hoảng loạn khiến nhiều người mua gần đỉnh bán gần đáy, chịu lỗ lớn. Một số người trở nên mất niềm tin vào Bitcoin, mặc dù về cơ bản công nghệ này vẫn tồn tại và thậm chí vẫn đang được cải tiến liên tục.
Phương pháp nắm bắt tâm lý thị trường Crypto
Là một nhà giao dịch, công việc của bạn là phải đánh giá được những gì thị trường đang nghĩ. Như là các chỉ số đều đang thể hiện thị trường sắp tăng? Nền kinh tế sắp đi vào suy thoái? Rõ ràng chúng ta không thể bắt thị trường làm theo những gì mình nghĩ, những gì chúng ta có thể làm chỉ là ứng phó với sự thay đổi của thị trường.
Vì vậy biết cách nắm bắt tâm lý thị trường sẽ giúp bạn tự tin, bình tĩnh hơn khi thị trường biến động. Lưu ý rằng cách sử dụng tâm lý thị trường để giao dịch sẽ không đi tới đâu nếu bạn không biết khi nào thì đạt được mục đích và khi nào thì nên dừng lại.
Nhưng đừng tuyệt vọng! Có nhiều phương pháp tiếp cận có thể giúp bạn quyết định xem bạn nên đi theo dòng chảy thị trường hay không, các phương pháp đó có thể kể tới là đo lường khối lượng giao dịch trên các sàn, phân tích các chỉ số on-chain, cộng đồng đang vận động như thế nào với token, dự án đang có những hoạt động nào, Bitcoin đang dịch chuyển ra sao, xu hướng (trend) hiện tại là gì,…
Vậy làm sao tiếp cận với từng mắt xích đó?
Các trader có thể nhìn vào khối lượng giao dịch như là một chỉ số của tâm lý. Nếu giá token đã tăng, nhưng khối lượng đang giảm, nó có thể báo hiệu rằng thị trường là quá mua. Hoặc nếu một token giảm đột ngột đảo chiều với khối lượng cao, nó có nghĩa là tâm lý thị trường có thể đã thay đổi từ giảm sang tăng.
Thời điểm này là lúc các trader cần vận dụng dữ liệu on-chain để phân tích khối lượng và nhiều chỉ số khác để dự đoán hành vi của các nhà đầu tư.
Ví dụ: Trên các sàn giao dịch thường có chỉ số Feer & Greed Index, gọi là chỉ số sợ hãi và tham lam (FGI). Người dùng có thể vận dụng chỉ số này để biết được các trader trên thị trường của từng token đang sợ hãi hay sợ hãi tột độ, tham lam hay tham lam cực độ. Ngoài ra, còn thêm nhiều trang web đo lường on-chain khác mà mình có chia sẻ ở bài top các website về đầu tư crypto, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Yếu tố cộng đồng cũng là yếu tố có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Các dự án muốn tồn tại cần có một cộng đồng mạnh và tin tưởng vào họ. Vì vậy theo dõi cộng đồng dự án đang làm gì và các động thái mua bán của họ như thế nào cũng giúp ta biết lúc nào nên thoát và lúc nào thì nên vào. Bên cạnh đó, ở trong cộng đồng của dự án chúng ta cũng nhanh chóng bắt kịp thông tin về hoạt động của họ, để biết dự án đang đi đến đâu và lúc nào là thời điểm tốt để bắt đầu, lúc nào là thời điểm hợp lý để kết thúc.
Yếu tố quan trọng không kém tác động đến tâm lý thị trường là xu hướng dịch chuyển của Bitcoin. Bitcoin là tiền điện tử nền tảng của cả thị trường crypto tính tới thời điểm hiện tại, vì vậy hoạt động của đồng tiền này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư. Nên việc quan sát hành động giá và các chỉ số liên quan Bitcoin sẽ giúp nhà đầu tư không trở thành nạn nhân của dòng chảy tâm lý.
Tại thời điểm mình viết bài, Bitcoin đang trong một quá trình điều chỉnh dài ngày sau cú sập 10,000 giá. Đã không ít nhà đầu tư sợ hãi và rời khỏi thị trường vì nghĩ rằng đã downtrend tạo ra một áp lực bán lớn trên thị trường. Điều đó kéo theo cả các Altcoin sụt giảm vì dòng tiền đã bị rút ra khá nhiều. Tuy nhiên với những nhà đầu tư đã ở lâu trong thị trường, họ có thể đã biết trước được tâm lý sẽ diễn biến như vậy vì đây không chỉ là lần đầu thị trường điều chỉnh.
Một yếu tố không thể không nhắc tới, đó là yếu tố xu hướng (trend). Thường các nhà đầu tư sẽ giao dịch dựa trên xu hướng đang có của thị trường vì cho rằng dòng tiền sẽ đổ vào đó nhiều.
Ví dụ: Hiện tại, đang là trend NFT, nhà đầu tư sẽ tìm các dự án làm về NFT để đầu tư vào nên hầu như những dự án này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Tóm lại, để có thể nắm bắt tốt tâm lý thị trường bạn cần vận dụng kết hợp nhiều phương pháp tiếp cận thị trường khác nhau. Khi bạn ở càng lâu, kinh nghiệm quan sát thị trường sẽ giúp bạn chọn ra những phương pháp thích hợp nhất cho riêng mình và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.
Những thành kiến trong nhận thức và tâm lý thị trường
Những thành kiến tồn tại trong nhận thức là những kiểu suy nghĩ phổ biến khiến con người đưa ra những quyết định phi lý trí. Những thành kiến này có thể ảnh hưởng đến cả nhà đầu tư cá nhân và toàn bộ thị trường nói chung.
Một vài ví dụ phổ biến là:
- Thành kiến xác nhận: Đây là cách gọi của sự đánh giá quá cao những thông tin xác nhận niềm tin của chúng ta, đồng thời loại bỏ những thông tin trái ngược với chúng. Ví dụ: Các nhà đầu tư trong bull market có thể sẽ quan tâm nhiều hơn vào các tin tức tích cực ảnh hưởng giá tăng, trong khi bỏ qua các tin xấu hoặc các dấu hiệu cho thấy xu hướng thị trường sắp đảo ngược.
- Không thích mất mát: Tâm lý phổ biến của con người là sợ mất mát hơn là khi họ được hưởng lợi nhuận, ngay cả khi mức lợi nhuận ngang hoặc lớn hơn mức mất đi. Nói cách khác, nỗi đau mất mát thường đau đớn hơn niềm vui thu được. Điều này có thể khiến các nhà giao dịch bỏ lỡ cơ hội tốt hoặc hoảng sợ bán ra khi thị trường đang trong trạng thái đầu cơ.
- Hiệu ứng thiên phú: Là lúc mà mọi người đánh giá quá cao những thứ mà họ sở hữu, đơn giản chỉ vì họ sở hữu nó. Ví dụ: Một nhà đầu tư sở hữu một “túi tiền điện tử” sẽ tin rằng nó có giá trị hơn so với người không sở hữu bất kỳ đồng coin nào.
3. Tổng kết
Hầu hết các nhà giao dịch và nhà đầu tư đều đồng ý rằng tâm lý có tác động đến giá và chu kỳ thị trường. Mặc dù đôi khi các chu kỳ thị trường và tâm lý đã được xác định rõ, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng đối phó được một cách dễ dàng. Ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm cũng phải vật lộn để tách chính họ ra khỏi tâm lý thị trường nói chung.
Các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn l à phải hiểu rằng: không chỉ tâm lý thị trường mà tâm lý của chính họ cũng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định như thế nào.
Vì vậy, trong quá trình đầu tư, ngoài những phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật mà XGems đưa tới bạn tham khảo mỗi ngày, thì việc quan sát để học cách nắm bắt tâm lý thị trường cũng là điều cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư đúng nơi và đúng thời điểm nhất. Chúc các nhà đầu tư của MarginATM sẽ luôn tỉnh táo và có những quyết định đầu tư crypto đúng đắn!